Thoái hóa khớp là căn bệnh thường gặp phải ở người cao tuổi, có xu hướng trẻ hoá. Bệnh thoái hóa khớp là quá trình cơ học và sinh học gây tổn các thành phần của khớp (chủ yếu sụn khớp, tổn thương dưới sụn, dây chằng và các cơ quanh khớp, ..). Bệnh không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngày 17/6/24, chương trình “Tổng quan về bệnh lý thoái hóa khớp, phương pháp điều trị” của BS CKI Trần Phong Vũ, Bệnh viện Hoàn Hảo – Thuận An đã mang đến cho người tham dự các kiến thức và các giai đoạn phát triển của thoái hoá khớp.
“Thoái hóa khớp là quá trình tự nhiên khi cơ thể bị mất cân bằng giữa thoái giáng và sửa chữa gây nên tình trạng hao mòn, sụn khớp trở nên sần sùi và bào mòn khiến cho chức năng của khớp bị suy giảm không thể vận hành tốt.
Đồng thời các mô xung quanh cũng có thể bị tổn thương, dịch nhầy bôi trơn tại khớp bị suy giảm, phần xương dưới sụn cũng bắt đầu biến dạng, xơ hoá và xuất hiện các vết nứt nhỏ.”
Các giai đoạn thoái hóa khớp và dấu hiệu nhận biết
Giai đoạn 1: Bệnh lý không có nhiều triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh đau nhức xương bình thường. Một trong những căn bệnh dễ gặp nhất là bệnh đau khớp gối, tuy nhiên mỗi người bệnh sẽ có biểu hiện bất thường khác nhau. Cũng trong giai đoạn này người bệnh vẫn có thể hoạt động bình thường và có cảm giác đau trong các trường hợp vận động mạnh, hoạt động liên tục.
Giai đoạn 2: Người bệnh có cảm giác đau khi vận động hay các cơ cứng và đau khi gặp thời tiết lạnh. Ở giai đoạn này, lớp sụn chưa tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường nên các khớp vẫn được bôi trơn và hoạt động ổn định. Nhưng các gai xương nhỏ bắt đầu hình thành, khi vận động các gai xương sẽ chạm vào mô trong khớp, dẫn đến người bệnh cảm thấy đau nhức khi vận động nhiều.
Giai đoạn 3: Triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn (đau nhức, cứng khớp, … ). Ở giai đoạn này, các sụn khớp bị bào mòn và vỡ ra cùng với xương dưới sụn dày lên ra bên ngoài, u thành cục. Đồng thời mô khớp viêm, có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch gây viêm, sưng.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn viêm khớp nghiêm trọng nhất, người bệnh bị cứng khớp, viêm – đau nhức làm hạn chế vận động, di chuyển khó khăn. Giai đoạn này khe khớp hẹp nhiều, gai xương kích thước lớn, đầu xương khớp bị bào mòn hoặc chỉ còn lại rất ít. Người bệnh ở giai đoạn này nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác, tệ hơn là tàn phế.
“Tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo – Thuận An, phần lớn người bệnh chỉ đến khám và điều trị khi bệnh đã vào giai đoạn 3”, Bác sĩ Vũ cho biết.
Thoái hoá khớp có chữa trị được không?
Thoái hóa khớp là bệnh mãn tính, không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thể ngăn chặn và làm chậm quá trình thoái hoá. Cách tốt nhất là chủ động đi khám sớm nếu có dấu hiệu bất thường. BS. CKI Trần Phong Vũ khuyến cáo.
Giúp mọi người có những bài tập đúng y khoa giảm đau, dễ dàng di chuyển và vận động, BS Nguyễn Văn Liêm (khoa Y học cổ truyền, BVĐK Hoàn Hảo - Thuận An), hướng dẫn người tham gia hội thảo với 7 bài tập tại nhà, nhằm cải thiện sự ổn định căn bằng và sức mạnh ở hông, mông, cơ đùi trước, cơ bắp chân.
>> Xem chi tiết: 07 bài tập giảm đau khớp gối tại nhà
Thoái hoá khớp hiện không chỉ là vấn đề của những người lớn tuổi, ngay cả người trẻ cũng cần quan tâm và tìm hiểu. Hy vọng với những chia sẻ của BS. CKI Trần Phong Vũ và BS. Nguyễn Văn Liêm về bệnh thoái hoá khớp giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm điều trị qua đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời sớm khắc phục và cải thiện sức khỏe sớm hòa nhập cộng đồng.